Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

Chuyện về một người con nuôi của nhà thơ Xuân Diệu


Toàn bộ tư liệu vừa được công bố trên lưới toàn cầu, dịp cuối năm 2018 này. Có một văn bản viết tay có chữ kí của ông Huy Cận, cho biết Xuân Diệu sinh năm 1916 và mất năm 1985. Tức là Xuân Diệu mất năm 70 tuổi (theo cách tính truyền thống).
Đại khái, nội dung các tư liệu chỉ nhắm đến mọi sự thừa kế sau khi Xuân Diệu mất mà thôi. Không có văn bản nào mang tính tư liệu khả dĩ xuất hiện trước năm 1985.  

Đọc Trần Đăng Khoa những lần thăm Xuân Diệu, hình như không thấy bác Khoa nhắc đến sự hiện diện rõ ràng của một người con nuôi nào (sẽ kiểm tra lại sau, bây giờ tạm ghi ở đây là "hình như").

Con nuôi mà không mang họ của bố nuôi. Con nuôi mà mà vẫn gọi "bố nuôi" là "bác", mà không gọi là "bố". Nhờ bác nào thạo về luật dân sự, hãy cho biết rõ hơn về luật nhận con nuôi của Việt Nam từ sau năm 1945 (và sau 1954).


Đại khái thế.

Dưới là toàn văn văn bản bà Nguyễn Thị Dương Hà vừa đưa lên.

---








.




29/12/2018

LS Nguyễn Thị Dương Hà
29-12-2018
Trong bài “Chính quyền Hà Nội vs gia đình ông Cù Huy Hà Vũ” đăng trên Tiếng Dân ngày 25/12/2018, tôi tố cáo chính quyền Hà Nội vào ngày 23/10/2014 đã cưỡng đoạt một phần nhà đất của gia đình chúng tôi – gia đình cố Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội – và hiện nay chính quyền này đang nhăm nhe cưỡng đoạt nốt nhà đất của gia đình chúng tôi.
Cụ thể là ngày 13/12 vừa qua, chính quyền Hà Nội lập biên bản về việc vợ chồng tôi “đang xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng” tại 24 Điện Biên Phủ. Đây là một sự bịa đặt trắng trợn và lố lăng của chính quyền Hà Nội vì vợ chồng chúng tôi chưa về lại Việt Nam sau khi sang Hoa Kỳ vào ngày 06/4/2014 theo thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Hoa Kỳ. Lẽ dĩ nhiên mục tiêu của sự bịa đặt trên của chính quyền Hà Nội là đập phá nhằm tiến tới cưỡng đoạt nốt nhà và đất ở của gia đình chúng tôi. Bất luận thế nào, không loại trừ biên bản này của chính quyền Hà Nội sẽ nằm trong các sự kiện kì quái nhất Việt Nam xảy ra trong năm 2018!
Chắc chắn rằng những hành vi cưỡng đoạt và mưu toan cưỡng đoạt nhà đất của gia đình chúng tôi từ phía chính quyền Hà Nội là một sự đàn áp tiếp tục của chính quyền đối với Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ sau khi đã bỏ tù ông về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Một ngày sau khi đăng bài viết của tôi, ngày 26/12/2018, Tiếng Dân đăng bài “Về biệt thự 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội – Đâu là sự thật?!” của Trần Quang Thành. Điều vô lý đập vào mắt trong bài viết này là Trần Quang Thành không hề dẫn bài viết nói trên của tôi nhưng lại đòi hỏi tôi làm rõ quyền sở hữu nhà và đất ở của gia đình chúng tôi tại 24 Điện Biên Phủ! Tóm lại, bài viết này sặc mùi khiêu khích.
Mặc dầu vậy, để rộng đường dư luận, tôi viết bài này nhằm phản bác một số thông tin cũng như đáp lại những câu hỏi mà Trần Quang Thành nêu ra.
A- Trần Quang Thành viết: “Nhiều năm nay, biệt thự 24 Điên Biên Phủ được giao về chính quyền Hà Nội quản lý, mà trực tiếp là Công ty Kinh doanh và Quản lý nhà ở quận Ba Đình. Hàng tháng họ thu tiền thuê nhà của những hộ ký hợp đồng thuê nhà như hộ nhà thơ Huy Cận. Sau này tách ra 2 hộ là hộ con trai Cù Huy Hà Vũ và hộ vợ kế của cố nhà thơ Huy Cận”.
Ý kiến của tôi như sau:
Các thông tin nêu trên của Trần Quang Thành là hoàn toàn bịa đặt như chứng minh sau đây.
1/ Nhà số 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội được Phủ Thủ tướng giao cho ông Cù Huy Cận và ông Ngô Xuân Diệu (tức Nhà thơ Xuân Diệu) để ở, không phải là nhà Nhà nước cho thuê.
Từ tháng 10/1954, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Hà Nội, Phủ Thủ tướng đã giao để ở nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội cho ông Cù Huy Cận, lúc đó là Tổng thư ký Hội đồng chính phủ và ông Ngô Xuân Diệu, tức Nhà thơ Xuân Diệu, ủy viên Ban chấp hành Hội Văn Nghệ Việt Nam. Do đó, nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội không phải là nhà Nhà nước cho thuê và vì vậy không có chuyện hộ gia đình ông Cù Huy Cận và hộ gia đình Nhà thơ Xuân Diệu ký hợp đồng thuê nhà. Sau này, có một cán bộ Bộ Văn hóa là Vũ Quang Triệu đến ở ghép tại nhà này và ông này cũng chưa bao giờ ký hợp đồng thuê nhà.
2/ Không có việc tách hộ gia đình ông Cù Huy Cận thành hai hộ là hộ ông Cù Huy Hà Vũ và hộ bà Trần Lệ Thu.
Hộ gia đình ông Cù Huy Cận gồm ông Cận, vợ kế ông Cận là Trần Lệ Thu, Cù Huy Hà Vũ (con ông Cận và bà Ngô Thị Xuân Như, em ruột Nhà thơ Xuân Diệu), Cù Lệ Duyên và Cù Thu Anh (con ông Cận và bà Trần Lệ Thu). Cho đến nay, ông Cù Huy Hà Vũ vẫn thuộc hộ gia đình ông Cù Huy Cận.
Cũng cần nói thêm rằng, hộ gia đình liên quan đến quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở. Khi ông Cận còn sống, ông Cận là người sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở mà Chính phủ giao. Do ông Cận qua đời mà không để lại di chúc nên theo qui định về thừa kế trong Bộ luật dân sự, quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở của ông Cận cũng như các tài sản khác của ông Cận trở thành di sản để chia cho vợ con của ông Cận gồm Trần Lệ Thu (vợ), Cù Huy Hà Vũ (con), Cù Thị Xuân Bích (con), Cù Lệ Duyên (con) và Cù Thu Anh (con). Do đó, cần phải có sự thỏa thuận giữa năm người thừa kế nói trên của ông Cận về phân chia quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở của ông Cận thì mới có thể chia tách hộ gia đình của ông Cận. Thế nhưng cho đến nay, việc mở thừa kế di sản của ông Cận chưa được thực hiện và cũng không có bất cứ thỏa thuận nào giữa năm người thừa kế của ông Cận về phân chia quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở của ông Cận.
Việc Trần Quang Thành bịa đặt những thông tin nói trên rõ ràng là một sự toa rập với chính quyền Hà Nội trong việc cưỡng đoạt nhà và đất ở tại 24 Điện Biên Phủ của ông Cù Huy Hà Vũ không chỉ với với tư cách người thừa kế của Nhà thơ Xuân Diệu (như chứng minh sau đây) mà còn là người thừa kế của ông Cù Huy Cận!
B- Trần Quang Thành viết: “Là người am hiểu luật pháp, mong LS Dương Hà làm rõ những từ ngữ trong đoạn văn LS đã viết dưới đây: “Sau khi chính quyền Hà Nội đã cưỡng đoạt một phần nhà đất của gia đình cố Nhà thơ Xuân Diệu mà Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là người thừa kế tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội vào ngày 23/10/2014, chính quyền này đang nhăm nhe cưỡng đoạt nốt nhà đất của gia đình chúng tôi”. Tôi hiểu từ “cưỡng đọat” và “thừa kế” trong đoạn viết của LS Dương Hà chỉ có giá trị pháp lý khi LS có văn bản minh chứng diện tích đất và nhà gia đình LS Cù Huy Hà Vũ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà mang tên Cù Huy Hà Vũ – Nguyễn Thị Dương Hà. Cũng tương tự phần diện tích nhà và đất do cố nhà thơ Xuân Diệu sử dụng có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà mang tên Xuân Diệu không? Và có chứng cứ nào thể hiện LS Cù Huy Hà Vũ đương nhiên được hưởng quyền thừa kế với danh nghĩa là con nuôi cố nhà thơ Xuân Diệu?”.
Ý kiến của tôi như sau.
1- Nhà thơ Xuân Diệu qua đời trước khi có quy định pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như trên đã đề cập, nhà 24 Điện Biên Phủ được Phủ Thủ tướng giao cho ông Cù Huy Cận và Nhà thơ Xuân Diệu để ở từ tháng 10 năm 1954. Do đó, cũng như ông Cù Huy Cận, Nhà thơ Xuân Diệu có quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở tại đây. Hộ gia đình Nhà thơ Xuân Diệu gồm Nhà thơ Xuân Diệu, Nguyễn Thị Dương Hà (vợ ông Vũ), Cù Huy Xuân Đức (con trai ông Vũ với bà Hà), Cù Huy Xuân Hiếu (con trai ông Vũ với bà Hà) và Nguyễn Bá Phụng (bố vợ ông Vũ).
Căn cứ Khoản 1 Điều 105 Bộ Luật dân sự 2015 (Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản) và Điều 115 Bộ Luật dân sự 2015 (Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác), quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở của Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ là tài sản của Nhà thơ Xuân Diệu.
Do Nhà thơ Xuân Diệu qua đời vào ngày 18/12/1985 trước khi có Luật đất đai 1987 và Luật nhà ở 2005 nên ông đã không có cơ hội làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như hai Luật này quy định. Mặc dầu vậy, quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở của Nhà thơ Xuân Diệu vẫn tồn tại dưới dạng di sản thừa kế. Người thừa kế Nhà thơ Xuân Diệu, Cù Huy Hà Vũ (như chứng minh sau đây) sẽ làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tóm lại, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ là bản đăng ký chính thức tài sản chứ không thay thế bản thân tài sản. Không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì quyền sở hữu quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không vì thể mà mất đi. Thực tế cho thấy không một cơ quan Nhà nước nào, văn bản pháp luật nào của Việt Nam tuyên bố rằng chỉ đến khi có Luật đất đai 1987 và Luật nhà ở 2005 thì những người sống ở Việt Nam mới có quyền sở hữu quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Do đó, quan điểm của Trần Quang Thành theo đó phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà thì mới có quyền sở hữu quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà là bất chấp thực tế và pháp luật!
2- Ông Cù Huy Hà Vũ thừa kế di sản của Nhà thơ Xuân Diệu với tư cách con nuôi
Nghị quyết số 01 ngày 20/11/1988 của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình quy định tại Điểm a, Điều 6: “Nếu việc nuôi con nuôi trước đây chưa được ghi vào sổ hộ tịch nhưng việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi thì việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý do luật định”.
Nhà thơ Xuân Diệu (tức ông Ngô Xuân Diệu) là bác ruột ông Cù Huy Hà Vũ (Nhà thơ Xuân Diệu là anh ruột bà Ngô Thị Xuân Như, mẹ đẻ ông Cù Huy Hà Vũ), mất ngày 18/12/1985. Sinh thời, Nhà thơ Xuân Diệu không có con đẻ, đã nhận và nuôi ông Cù Huy Hà Vũ làm con từ khi ông Vũ mới ra đời (02/12/1957) với sự đồng ý của bố mẹ đẻ của ông Vũ là ông Cù Huy Cận và bà Ngô Thị Xuân Như.
Trong “Giấy xác nhận về việc nhận và nuôi con nuôi” lập ngày 8/4/1998 trướccông chứng của ông Cù Huy Cận và bà Ngô Thị Xuân Như có ghi rõ: “Ông Ngô Xuân Diệu, tức nhà thơ Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916, đã nhận anh Cù Huy Hà Vũ là cháu gọi ông Diệu bằng bác ruột làm con nuôi với sự nhất trí hoàn toàn của hai chúng tôi kể từ khi anh Vũ mới ra đời. Việc ông Diệu nhận anh Vũ làm con nuôi hoàn toàn không ảnh hưởng đến quan hệ bố mẹ đẻ với con đẻ giữa chúng tôi và anh Vũ cũng như hoàn toàn không ảnh hưởng đến mọi quyền lợi của anh Vũ phát sinh từ quan hệ này. Cho đến ngày ông Diệu qua đời (18-12-1985), ông Diệu đã thương yêu, nuôi dưỡng anh Vũ và sống hàng ngày với anh Vũ ngay tại nhà ông Diệu tại 24 Điện Biên Phủ – Hà Nội. Về phần mình, anh Vũ cũng đã làm tròn bổn phận của người con đối với ông Diệu” (Tài liệu đính kèm).
Ngoài ra, trong giấy “Công nhận người thừa kế di sản theo pháp luật của ông Ngô Xuân Diệu (tức Nhà thơ Xuân Diệu) lập ngày 10/01/1997 trước công chứng của bà Ngô Thị Xuân Như và ông Ngô Xuân Huy là hai người em ruột của Nhà thơ Xuân Diệu có ghi rõ: “Công nhận anh Cù Huy Hà Vũ, là cháu gọi ông Ngô Xuân Diệu bằng bác ruột, là người thừa kế duy nhất di sản của ông Ngô Xuân Diệu trên cơ sở thực tế sau. Ông Diệu mất đột ngột vào ngày 18 tháng 12 năm 1985. Khi mất, ông Diệu không có vợ và không có con. Nhưng khi còn sống, ông Diệu đã thương yêu, nuôi nấng và sống với anh Vũ, cháu gọi ông Diệu bằng bác ruột (là con bà Ngô Thị Xuân Như) ngay tại nhà ông Diệu ở 24 Điện Biên Phủ – Hà Nội từ khi anh Vũ mới ra đời cho đến khi ông Diệu qua đời và đã coi anh Vũ như con trai mình. Về phần mình, anh Vũ cũng đã làm tròn bổn phận của người con đối với ông Diệu. Vì vậy, trên thực tế, quan hệ giữa ông Diệu và anh Vũ kéo dài 28 năm là quan hệ cha – con” (Tài liệu đính kèm).
Bản thân ông Cù Huy Hà Vũ luôn khẳng định quan hệ giữa Nhà thơ Xuân Diệu và ông là quan hệ cha con, như ông viết trong bài “Nhớ về một người cha – Xuân Diệu” đăng trên Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA tiếng Việt) ngày 17/12/2015, và bài “Trăm năm Xuân Diệu”, đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 07/02/2016.
Như vậy, ông Cù Huy Hà Vũ là con nuôi của Nhà thơ Xuân Diệu theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo Nghị quyết số 01 ngày 20/11/1988 của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao.
Điểm a, Khoản 1 Điều 651 Bộ Luật dân sự quy định: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Khi Nhà thơ Xuân Diệu qua đời, cha đẻ, mẹ đẻ của ông đã qua đời và ông không có cha nuôi, mẹ nuôi. Vì vậy, với tư cách là con nuôi của Nhà thơ Xuân Diệu, ông Cù Huy Hà Vũ là người thừa kế duy nhất của Nhà thơ Xuân Diệu.
Ngày 13/2/1995, Cơ quan bảo hộ quyền tác giả Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin đã cấp cho ông Cù Huy Hà Vũ 04 Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác phẩm của tác giả Xuân Diệu trong đó ghi rõ Cù Huy Hà Vũ là người thừa kế của tác giả Xuân Diệu (Tài liệu đính kèm).
Cũng với tư cách người thừa kế của Nhà thơ Xuân Diệu, ông Cù Huy Hà Vũ được hưởng các di sản khác của Nhà thơ Xuân Diệu trong đó có quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở tại 24 Điện Biên Phủ, Hà NộiDo đó, mọi hành vi chấm dứt một cách trái pháp luật quyền sở hữu này của ông Cù Huy Hà Vũ là hành vi cưỡng đoạt tài sản của ông Vũ. Những cá nhân thực hiện hành vi cưỡng đoạt này sẽ phải bị truy tố theo “Tội cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015.
C- Trần Quang Thành viết: “Sau khi nhà thơ Xuân Diệu qua đời, theo đề nghị của Bộ Văn hóa và Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đồng ý để nơi cố nhà thơ Xuân Diệu đã ở, làm địa điểm lưu niệm cố nhà thơ Xuân Diệu. Những văn bản do Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Khánh, ký về việc này, vẫn còn lưu trữ ở Bộ Văn hóa và các đơn vị có liên quan”.
Ý kiến của tôi như sau.
Sau khi nhà thơ Xuân Diệu qua đời, theo đề nghị của Bộ Văn hóa và Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có quyết định thành lập “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” trên cơ sở căn phòng mà Nhà thơ Xuân Diệu đã sống ở đó. Tuy nhiên, Quyết định này của Thủ tướng là trái pháp luật, như chứng minh sau đây.
1- Trái Hiến pháp và Bộ Luật dân sự về quyền sở hữu tài sản và quyền thừa kế tài sản
a.- Căn cứ Khoản 2 Điều 32 Hiến pháp (Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. 3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường Điều 163 Bộ luật dân sự – Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản (1. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. 2. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường), việc làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội là tước đoạt quyền thừa kế của ông Cù Huy Hà Vũ đối với quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở của Nhà thơ Xuân Diệu tại đây.
b.- Căn cứ Khoản 2 Điều 25 Bộ Luật dân sự – Quyền nhân thân (Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đóvà Khoản 1 Điều 615 – Bộ Luật dân sự – Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại (Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác), việc sử dụng họ, tên của Nhà thơ Xuân Diệu dể làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” mà không được ông Cù Huy Hà Vũ với tư cách con nuôi của Nhà thơ Xuân Diệu đồng ý là xâm phạm quyền nhân thân của Nhà thơ Xuân Diệu cũng như xâm phạm quyền thừa kế của ông Cù Huy Hà Vũ đối với di sản của Nhà thơ Xuân Diệu.
2- Trái Luật Di sản văn hóa
a) Luật Di sản văn hóa không có qui định nào về “Phòng lưu niệm”.
b) Điều 73 Luật Di sản văn hóa qui định: “Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2002. Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ”.
c) Do đó, mọi văn bản của chính quyền, kể cả quyết định của Thủ tướng Chính phủ, về việc làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” được ban hành trước hay sau khi có Luật Di sản văn hóa đều phải bị bãi bỏ.
3- Trái Quyết định số 474/TTg ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ
Căn cứ Điều 2 Quyết định số 474/TTg ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ (Ba hộ gia đình hiện đang ở ngôi nhà này (ông Cù Huy Cận, Cố Nhà thơ Xuân Diệu và ông Vũ Quang Triệu) vẫn được ở nguyên trạng), làm Phòng lưu niệm Xuân Diệu là xâm phạm qui định “được ở nguyên trạng” của hộ gia đình Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội.
Tóm lại, mọi hành vi làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội từ phía các cơ quan Nhà nước, bất luận cấp trung ương hay địa phương, dứt khoát là hành vi cưỡng đoạt tài sản của cố Nhà thơ Xuân Diệu mà ông Cù Huy Hà Vũ là người thừa kế. Những cá nhân thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản này của ông Vũ này sẽ phải bị truy tố theo “Tội cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015.
Kết luận lại, cách tốt nhất để làm rõ sự thật trong các đơn khởi kiện hành chính, khiếu nại và tố cáo của gia đình chúng tôi – gia đình cố Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ – về việc chính quyền Hà Nội hủy hoại, cưỡng đoạt nhà và đất ở của gia đình chúng tôi, những người quan tâm và đấu tranh cho công lý, sự thật và Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hãy yêu cầu chính quyền Hà Nội nói riêng, Tòa án và chính quyền Việt Nam nói chung:
1- Chấm dứt ngay lập tức các hành vi và mưu toan cưỡng đoạt nhà đất và các tài sản khác của gia đình chúng tôi;
2- Giải quyết tất cả các khiếu nại, tố cáo của gia đình chúng tôi theo Luật khiếu nại và Luật tố cáo; và
3- Trừng trị những kẻ cưỡng đoạt nhà đất và các tài sản khác của gia đình chúng tôi theo “Tội cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015.
_____
Tài liệu đính kèm:
– Giấy xác nhận về việc nhận và nuôi con nuôi” lập ngày 8/4/1998 trước công chứng của ông Cù Huy Cận và bà Ngô Thị Xuân Như;
– Giấy “Công nhận người thừa kế di sản theo pháp luật của ông Ngô Xuân Diệu (tức Nhà thơ Xuân Diệu) lập ngày 10/01/1997 trước công chứng của bà Ngô Thị Xuân Như và ông Ngô Xuân Huy;
– 04 Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác phẩm của tác giả Xuân Diệu cấp cho ông Cù Huy Hà Vũ với tư cách người thừa kế của tác giả Xuân Diệu.
Nguồn Blog Giao 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dự án Cầu Cửa Hội: Dấu hỏi chất lượng nền đường từ nhà thầu phụ?

Công trình Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam (nối Nghệ An và Hà Tĩnh) dự kiến hợp long vào tháng 9/2020 sau hơn 1 năm thi công. Trong đó, gói ...