Nguồn BBC
Qua Mỹ định cư vừa được gần một tháng, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm chưa kịp ổn định cuộc sống đã lên đường đi gặp các tổ chức nhân quyền, giới truyền thông, Bộ Ngoại Giao, cũng như Quốc hội Mỹ tại Washington DC.
Sáng hôm 15/11, từ Washingon DC, Blogger Mẹ Nấm chia sẻ tâm tư và nỗ lực hòa nhập vào xã hội mới của mình và từng thành viên trong gia đình, trong cuộc phỏng vấn với Tina Hà Giang của BBC Tiếng Việt từ Bangkok qua điện thoại viễn liên.
"Ở đây lạnh quá ! Sáng nay em mới để ý thấy là mình chảy máu cam." Blogger Mẹ Nấm nói.
BBC:Thấm thoát Mẹ Nấm và gia đình qua Mỹ đã gần đúng được một tháng. Xin cho biết cảm tưởng sơ khởi của Mẹ Nấm về nước Mỹ?
Blogger Mẹ Nấm: Vâng, nước Mỹ nó không giống những gì trên đài truyền hình khi em ở Việt Nam, và cũng không giống như những gì mà tụi em được dạy. Tức là ở Việt Nam thì mọi người thường hay nói là tự do kiểu Mỹ, rồi ai muốn làm gì thì làm. Tụi em cũng được dạy là cái tự do kiểu Mỹ đó nó sẽ gây ra sự xáo trộn trong xã hội và xã hội nó không có một trật tự nào hết. Đó là tự do mà bên công an rồi bên giáo dục người ta nói. Tóm lại là nếu mà tự do như vậy thì xã hội sẽ không có sự kiểm soát nào hết.
Nhưng mà khi em qua đây em thấy nước Mỹ họ rất có thứ tự, họ cắt giảm chi phí rất nhiều, họ tiết kiệm các cái thủ tục làm nhân công [đi xin việc]. Rồi cái xã hội tự do của họ đâu vô đó, và đặc biệt khi họ ra luật lệ thì cái người được thụ hưởng quyền lợi đó là người dân. Ở nước Mỹ luật lệ của họ đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu. Xã hội của người ta ý thức được quyền con người nhiều hơn.
Cuối cùng thì sự chào đón của đồng hương ở đây làm cho em cảm thấy rất ấm áp và được nâng đỡ rất nhiều về mặt tinh thần. Nơi em ở, Houston, rất đông người Việt Nam, nhưng em chưa đi nhà thờ Việt, em mới đi nhà thờ Mỹ ở gần nhà thôi, vì khu em ở đến nhà thờ Việt Nam mất gần 30 phút đi xe, mà mẹ em thì say xe quá, cho nên không đi xa được.
BBC: Cho đến giờ thì kinh nghiệm hội nhập sơ khởi của từng người trong gia đình Mẹ Nấm ra sao? Chắc cùng hoàn cảnh nhưng có lẽ mỗi người có những phản ứng và cảm nhận khác nhau?
Blogger Mẹ Nấm: Ở trong nhà thì Nấm, con gái Quỳnh, nó hội nhập nhanh nhất. Nấm nó thích cái gì mới mẻ, mới lạ. Nấm năm nay 12 tuổi, cũng là người bắt kịp với cuộc sống ở đây nhanh nhất, nó không bị say xe, không bị mệt mỏi. Nấm ghi danh đi học rồi, nhưng vì kỳ này Nấm đi DC với Quỳnh thành ra chắc đi DC về, qua lễ Thanksgiving Nấm mới đi học.
Còn mẹ em là người em lo nhất, bởi vì mẹ giống như cái cây bị bứng ra khỏi chỗ của mình, và bây giờ mẹ phải làm quen với mọi thứ lại từ đầu. Trong khi đó cái điểm yếu nhất của mẹ là bị say xe. Sức khỏe mẹ em hiện giờ không tốt lắm, mà mẹ cũng buồn, vì mẹ nói mẹ giống như một con người khác, ở một thành phố khác, một đất nước khác, mẹ không có tự tin gì hết.
Bản thân của Quỳnh cũng vậy. Ở Việt Nam thì mình tự tin là mình có thể làm cái này, làm cái kia. Còn qua đây thì mình thấy mình chẳng là cái gì hết, nên nó cũng cho mình cái sự lo lắng khi mình phải bắt đầu một cuộc sống mới. Nhất là Gấu, cu Gấu, con trai Quỳnh, 6 tuổi, là người luôn luôn nhắc về Việt Nam nhiều nhất. Có lẽ là ở Việt Nam có bà con họ hàng đông, ảnh cũng được cưng chiều. Cho nên ảnh cứ hỏi, 'mẹ nói một lời đi, mẹ nói một lời đi, khi nào thì mẹ cho con về Việt Nam?'
Đó là tuần đầu tiên, còn tuần thứ hai, tuần thứ ba trở đi thì ảnh bắt đầu ý thức được rồi, thì ảnh mới nói là ảnh sẽ phải làm ra nhiều tiền để ảnh trở về Việt Nam. Nhưng cái cuộc trở về này, trong suy nghĩ của Gấu, thì 'lần trở về này chỉ có Gấu, bà ngoại, với Nấm thôi. Chứ còn mẹ là không về được. Mẹ về là mẹ sẽ bị bắt. Gấu biết là mẹ về là mẹ sẽ bị bắt. Gấu không muốn mẹ về.'
BBC: Cách đây gần mười năm, khi bị bắt lần đầu vì mặc cái áo in chữ ''NO Bô-xít, Hòang Sa Trường Sa là của VN''rồi dấn thân luôn vào con đường đấu tranh, Blogger Mẹ Nấm có mường tượng là sẽ bị tù đày, bị đưa thẳng từ nhà tù đến Mỹ, rồi đi gặp các tổ chức nhân quyền, truyền thông, báo chí, quốc hội Mỹ không? Và cô có những suy nghĩ cảm nhận gì về tất cả những việc này?
Blogger Mẹ Nấm: Thực sự thì ngay từ lúc bắt đầu em chưa bao giờ mường tượng được là sẽ đến một ngày mà em phải rời xa quê hương của mình, và đặc biệt là rời xa trong cái hoàn cảnh mà không được quay về nữa. Cũng giống như em không có nghĩ là một ngày nào đó em phải nối tiếp bước mấy anh mấy chị đi trước, là đi vận động rôi tiếp tục cái công việc dang dở của nhiều người. Chưa bao giờ em nghĩ là em sẽ như vậy hết.
Lúc đầu em chỉ nghĩ là mình muốn nói thôi. Và mình nghĩ là mình có quyền nói, nên mình nói, cho đến khi mình nhận ra là mình không có quyền nói gì hết. Đặc biệt là cái khoảng thời gian mà em không được cấp hộ chiếu, khoảng cuối năm 2010, thì nó khiến cho em có cái suy nghĩ rõ ràng hơn về cái quyền con người tại Việt Nam. Cho nên những cái biến cố xẩy ra trong cuộc đời đều là không tính trước gì hết. Tất cả những giải thưởng hay những niềm vui hay nỗi buồn em có thể dự đoán được, nhưng nhiều cái nó vượt quá dự liệu của mình, không ai nghĩ ra được. Chính bản thân em cũng không nghĩ là em sẽ bị kết án tới 10 năm. Hoàn toàn không nghĩ như vậy.
Nhìn lại thì con đường này thực sự nó có quá nhiều việc phải làm. Em vẫn chỉ là một trong những người lót đường thôi, những người đi tiếp đường của những người trước và cũng chỉ là lót đường cho các bạn khác kế tiếp thôi. Em hy vọng là câu chuyện của em, qua những gì em làm, qua những nỗ lực mà em làm được thì các bạn cũng nhìn vào đó để biết là mình không cô đơn. Vì dù muốn dù không thì bên cạnh vẫn luôn có người đứng với mình, cho nên các bạn sẽ lấy đó để mà cố gắng, để mà phấn đấu hơn.
BBC: Giờ đây nhìn về Việt Nam thì hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt Mẹ Nấm là hình ảnh gì?
Blogger Mẹ Nấm: Khi nghĩ về Việt Nam thì hình ảnh đầu tiên em nhìn thấy là những ruộng lúa xanh, và sự chênh lệch với những ngôi nhà cao tầng đang được xây lên. Thấy cái cảnh họ dồn đất để họ xây cho dân ở. Và em nghĩ tới cái dự án cuối cùng em làm việc là dự án Mường Thanh, nơi mà họ nói lấy đất để xây công viên, thác nước mà cuối cùng nó thành ra nơi xây cao ốc với giá bán rất là cao. Em nghĩ đó là một trong những nguyên nhân khiến em bị bắt. Em nghĩ là cho đến khi nào những người xung quanh em họ ý thức được là họ có quyền được sống như con người. Họ dám mạnh mẽ bước ra khỏi sự sợ hãi của họ để nói những điều mình muốn, để phản đối những điều mình không đồng ý thì lúc đó mới có sự thay đổi.
BBC: Theo nhận xét của Mẹ Nấm thì nhận thức của người dân Việt Nam về quyền được nói bây giờ so với hồi trước khi em bị bắt có khác đi nhiều không?
Blogger Mẹ Nấm: Em nghĩ là có. Bây giờ nhiều người người ta nói hơn. Nhưng mà chính vì vậy mà nhà nước ra một số luật mới như là luật an ninh mạng. Hồi trước thì nhà nước nói Facebook hay blogs là nơi toàn những cái tin tào lao, ai muốn nói gì trên đó cũng được, đừng có tin những gì trên Facebook. Nhưng khi người dân nhận thức ra người ta có thể tìm kiếm thông tin từ trên đó thì nhà nước không làm như vậy nữa. Mà họ đang dùng cái luật an ninh mạng để chứng minh cái điều họ thường hay nói với em là không phải muốn nói gì trên Facebook thì nói. Và nếu mà cứ nói thì sẽ bị bắt và xử với những cái án hết sức nặng nề. Thực sự những bằng chứng kết tội những người hoạt động thì toàn lấy từ Facebook không à.
BBC: Nếu có dịp làm lại cuộc đời, kể từ trước khi bước vào con đường đấu tranh, Mẹ Nấm có làm gì khác đi không? Và tại sao?
Blogger Mẹ Nấm: Như nhiều lần em nói, và cả trong hai phiên toà em cũng nói là nếu được làm lại thì em vẫn sẽ không im lặng, nhưng mà em sẽ nói khôn hơn để không bị bắt (cười). Hay ít ra là không bị bắt quá sớm.
BBC: Nói khôn hơn là nói như thế nào? Hỏi một cách khác những người muốn lên tiếng có thể học gì từ kinh nghiệm của Mẹ Nấm?
Blogger Mẹ Nấm: Cái gì mình nhận thì mình nhận, cái gì mình có thể chối được thì mình chối. Khi mà vào làm việc với mấy cơ quan công an thì em mới biết là họ không cần biết luật gì hết. Ở đây các luật sư đang chứng minh là em không chống lại nhà nước. Vậy thì khi mình làm việc mình biết là câu đó câu đó có thể bị kết tội là chống lại nhà nước thì mình tránh mình không nói mấy câu đó, và phải chỉ cho các bạn khác để họ tránh ra. Nhưng mà nói là nói vậy thôi, khi đã hoạt động, đã dấn thân thì nói kiểu gì cũng bị bắt, chỉ có sớm hơn hay muộn hơn thôi.
BBC: Blogger Mẹ Nấm đã được xem phim Mẹ Vắng Nhà chưa? Xem phim người ta làm về câu chuyện của mình thì thấy ra sao?
Blogger Mẹ Nấm: Thật ra thì coi phim thấy cảm giác là mình có lỗi với bà ngoại nhiều quá. Vì bà ngoại là người chứng kiến tất cả những lần em bị bắt từ 2009 cho đến bây giờ. Em thấy ánh mắt của bà ngoại lúc đó khó tả lắm. Trong thời gian em nằm trong tù, bà ngoại là một trong những người mà em không muốn nghĩ tới. Tại vì nghĩ đến bà ngoại, đến người thân, là mình không muốn làm gì nữa hết. Tại vì mình phải chứng kiến người thân mình quá buồn, quá tuyệt vọng như vậy, thì... Lúc mà bà ngoại nghe tin Quỳnh bị chuyển đi ra ngoài Bắc, thì bà ngoại gần như là xuống hẳn sức luôn, sụp đổ luôn.
Cuốn phim Mẹ Vắng Nhà thật sự rất là cảm động, và nó cho mình thấy là khi một người dấn thân vào một cuộc đấu tranh thì cái người đồng đội phải sát cánh phải chia xẻ những khó khăn của mình chính là gia đình mình. Nếu như mà mình bị bắt như em thì mình để lại cho gia đình một gánh nặng rất là lớn mà em nghĩ không phải ai cũng lường trước được.
BBC:Giờ thì dự tính tương lai và mơ ước của bạn cho bản thân, cho gia đình và cho Việt Nam là gì?
Blogger Mẹ Nấm: Những gì em làm thì cuối cùng cũng là mong muốn một tương lai tốt đẹp cho Nấm và Gấu, cho nên em mong muốn cuộc sống nó ổn định. Trước mắt là phải sắp xếp cuộc sống cho Nấm và Gấu ổn định đi học. Cho em và mẹ em cũng muốn hai người có cuộc sống và tâm hồn ổn định. Đương nhiên là cái ước mong cho Việt Nam được tự do trong lòng em nó không bao giờ tắt được, không bao giờ bỏ được cho dù cuộc sống có khó khăn như thế nào.
Em hy vọng là những người bạn cùng hoạt động với em trong nước đừng xem em là một người ở ngoài nước. Vì em sẽ hỗ trợ và tiếp tục đi cùng các bạn trong bất cứ cuộc tranh đấu nào. Hạn chế duy nhất là em không thể cùng có mặt nhưng em sẽ làm tất cả những gì còn lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét