Thứ Tư, 26 tháng 9, 2018

Kim Sơn những đêm không ngủ

Chủ tịch nước thăm thầy giáo cũ tại trường THPT Kim Sơn B. Ảnh tư liệu

Tiết Thu, bầu trời Kim Sơn nhuộm ánh nắng vàng hanh hao. Chúng tôi về với Kim Sơn sau ngày nhận được tin buồn: Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Không còn vẻ nhộn nhịp, sôi động thường ngày, thay vào đó là sự trầm lắng, nghẹn ngào trong ánh mắt, lời nói của từng người dân. Những ngày này, người dân Kim Sơn xích lại gần nhau như để động viên, san sẻ nỗi buồn và để cùng hồi tưởng lại những kỷ niệm về người con ưu tú của không chỉ vùng đất Kim Sơn mà còn của cả tỉnh Ninh Bình.

Thư viện Trường THPT Kim Sơn B được trang bị nhiều đầu sách, báo phục vụ việc đọc, tra cứu thông tin của thầy và trò nhà trường. Ảnh: Minh Quang
Thư viện Trường THPT Kim Sơn B được trang bị nhiều đầu sách, báo phục vụ việc đọc, tra cứu thông tin của thầy và trò nhà trường. Ảnh: Minh Quang

Điểm đầu tiên chúng tôi tìm đến khi đặt chân lên mảnh đất Kim Sơn anh hùng đó là ngôi trường THPT Kim Sơn B- nơi lưu giữ bao kỷ niệm, nơi in đậm dấu chân của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ thuở thiếu thời. Hàng cây đứng im lìm, những chiếc ghế đá vắng vẻ mặc dù đang trong giờ ra chơi. Những cô, cậu học trò tinh nghịch bỗng trở nên tư lự. Thiếu vắng những trò nghịch ngợm trứ danh của tuổi học trò, thay vào đó là những giọt nước mắt, những giọng nói nghẹn ngào khi các em học sinh cùng nhau ôn lại kỷ niệm những lần được đón Chủ tịch nước về thăm. Bác bảo vệ Trương Ngọc Quang với đôi mắt đỏ hoe, cất vội chiếc radio cũ kỹ để đón từng đoàn khách tới thăm trường. 
Ông Quang làm bảo vệ cho Trường THPT Kim Sơn B được 18 năm. Ông Quang bảo, từ khi Chủ tịch nước từ trần, nhà trường đón nhiều lượt khách lắm. Có khách gần, khách xa và có cả những người dân sở tại cũng đến dạo quanh sân trường như thể muốn tìm lại hình bóng của người xưa. Nói về cảm xúc của mình khi nghe tin Chủ tịch nước từ trần, ông Quang cho biết: tôi không tin đó là sự thật cho đến khi tận tai nghe bản tin buồn của Đài Tiếng nói Việt Nam phát ra từ chiếc radio cũ. Những đêm qua tôi không thể ngủ được vì thương anh ấy quá. Không chỉ là niềm tiếc thương của một người dân may mắn được hưởng cuộc sống hòa bình, ấm no tưởng nhớ đến nhà lãnh đạo xuất sắc mà với ông Quang, đó còn là tình cảm thiêng liêng đối với người bạn từ thuở thiếu thời. 

Chủ tịch nước dự lễ khánh thành trường THPT Kim Sơn B- ngôi trường nơi ông đã từng học. Ảnh tư liệu
Chủ tịch nước dự lễ khánh thành trường THPT Kim Sơn B- ngôi trường nơi ông đã từng học. Ảnh tư liệu
Rồi ông Quang kể, nhà ông ở xã Như Hòa- một địa phương gần kề với quê hương Quang Thiện của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Hơn bác Trần Đại Quang tới 4 tuổi, nhưng vì học cùng lớp và lại rất ngưỡng mộ lực học giỏi của bác Trần Đại Quang nên ông Quang gọi cậu bạn học là anh. “Ngày ấy, quê tôi nghèo xơ xác, nhà anh Quang cũng không ngoại lệ. Hàng ngày, tôi, anh Quang và bọn trẻ trong xóm đều phải đi bắt cua, ốc để phụ giúp gia đình. 
Còn nhớ, có lần khi cùng nhau đi bắt cua, đến tận cuối ngày mà số cua tôi bắt được chẳng đáng là bao, trong lòng tôi nặng trĩu nỗi lo âu về một bữa cơm không đủ no cho các em. Lúc đó, không suy nghĩ nhiều, anh Quang trút hết giỏ cua của anh sang cho tôi mặc dù hoàn cảnh của anh cũng chẳng hơn gì tôi. Bố anh Quang mất sớm, một mình mẹ anh tần tảo, buổi chợ thì đi buôn chuối, buôn rau, tan chợ thì mò cua, bắt ốc nuôi con… vậy mà anh ấy sẵn sàng trao cho tôi cả một giỏ cua, hành động ấy của anh Quang đã gây xúc động mạnh cho một đứa trẻ non nớt như tôi. 
Không chỉ học giỏi, anh Trần Đại Quang còn có tấm lòng nhân hậu, sâu sắc… ấn tượng ấy tôi mang theo cho đến tận bây giờ. Khi anh Quang làm Chủ tịch nước, mỗi lần anh về thăm lại ngôi trường này, ngắm nhìn anh từ xa mà trong lòng tôi xúc động, tự hào. Lần nào anh cũng dành cho tôi một ánh mắt, một cái vẫy tay ân cần. Chừng ấy thôi, cũng đủ làm một người lính như tôi phải rơi nước mắt và sẽ cất giữ trong trái tim đến suốt đời.
Rồi ông bảo vệ đưa chúng tôi đến tham quan phòng thư viện - nơi ghi dấu bao kỷ niệm về Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Nhà giáo Vũ Xuân Sinh, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Sơn B đang ngồi ở đó đầy tư lự, nặng trĩu nỗi buồn. Lật giở lại từng cuốn sách, chạm tay vào từng dàn máy vi tính- những món quà thiết thực, ý nghĩa mà Chủ tịch nước dành tặng cho thầy và trò nhà trường trong những dịp về thăm lại trường cũ là cách duy nhất để thầy Sinh có thể làm lúc này để cố gắng kiềm chế nỗi buồn, nỗi nhớ thương Chủ tịch nước. 

Chủ tịch nước thăm thầy giáo cũ tại trường THPT Kim Sơn B. Ảnh tư liệu
Chủ tịch nước thăm thầy giáo cũ tại trường THPT Kim Sơn B. Ảnh tư liệu
Thầy Sinh kể, nhà trường đã có 4 lần vinh dự được đón bác Trần Đại Quang về thăm, trong đó có 2 lần được đón khi bác trong vai trò là Chủ tịch nước. Lần nào về thăm trường, bác cũng đi thăm quan trường lớp, dành thời gian để trò chuyện với đội ngũ giáo viên và học sinh trong trường. Bác bận nhiều việc nước, nhưng sự quan tâm mà bác dành cho sự nghiệp giáo dục thật sâu sắc. Những lời căn dặn của bác trở thành động lực và là định hướng để thầy và trò nhà trường phấn đấu học tập, rèn luyện không ngừng đưa Trường THPT Kim Sơn B trở thành ngôi trường có chất lượng giáo dục nằm trong tốp đầu của tỉnh ở cả giáo dục đại trà và mũi nhọn. Đặc biệt hơn nữa, tấm gương về tinh thần hiếu học thuở thiếu thời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tạo nên sức ảnh hưởng lớn đến các thế hệ học sinh. 
Em Trần Thị Thùy Linh, học sinh lớp 10 chia sẻ: Em mới trở thành học sinh của ngôi trường bác Quang (cách gọi thân thương của nhiều thế hệ học sinh đối với Trường THPT Kim Sơn B) chưa đầy 1 tháng, em chưa một lần được gặp bác. Nhưng, những câu chuyện xúc động về nghị lực, tinh thần hiếu học của bác luôn được các thầy, cô giáo nâng niu và truyền cho chúng em qua mỗi giờ sinh hoạt truyền thống. Chúng em như được “tiếp sức” từ những câu chuyện ấy, với riêng em, em đã đặt mục tiêu sẽ thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và sẽ trở thành chủ một doanh nghiệp vào năm 28 tuổi. Còn quá nhiều khó khăn, thách thức trong hành trình thực hiện ước mơ ấy, nhưng em tin rằng em sẽ thành công.
Tạm biệt ngôi trường giàu truyền thống, chúng tôi về xã Quang Thiện – quê hương của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ông Nguyễn Xuân Thụy, xóm trưởng xóm 11 xã Quang Thiện nghẹn ngào: Tình cảm của bác Quang dành cho nhân dân trong xã thật gần gũi, ân cần tựa như người con, người anh lớn trong nhà. Những dịp về thăm quê, bác dành thời gian đi thăm, tặng quà gia đình người có công với cách mạng, người cao tuổi, người nghèo… và đặc biệt, bác luôn dành tình cảm, sự quan tâm lớn cho các cháu học sinh. Năm ngoái, trong một dịp về thăm quê, bác đã tận tay trao tặng những tập sách, những chiếc mũ… cho các cháu Trường Mầm non Quang Thiện… Mọi người dân Quang Thiện đều kính trọng và dành tình cảm đặc biệt cho bác. Vì vậy, biết tin bác Trần Đại Quang qua đời, từ người già tới con trẻ không thể tin đó là sự thật. Chẳng ai bảo ai, mọi người đều tranh thủ dọn dẹp, vệ sinh đường làng, ngõ xóm để chờ ngày đón bác về an nghỉ tại quê hương.
Những ngày nay, người dân Kim Sơn trắng đêm không ngủ, họ tựa vào nhau để ôn lại kỷ niệm đã qua. Trung thu năm nay, trăng vẫn tròn vạnh mà lòng người lại trống trải, hụt hẫng như khuyết một người thân. Trong mỗi ngôi nhà nhỏ ở Kim Sơn, đêm Trung thu thay vì kể cho con trẻ nghe câu chuyện về chú Cuội, chị Hằng, các bậc phụ huynh lại kể câu chuyện cổ tích khác. Đó là câu chuyện về tinh thần vượt khó từ thuở thiếu thời đến khi làm nên nghiệp lớn của bác Chủ tịch nước Trần Đại Quang rồi đọc cho con cháu nghe bức thư cuối cùng bác gửi cho các cháu thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu trước khi bác đi vào giấc ngủ vĩnh hằng.
Đào Hằng 
Nguồn báo :  Ninh bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dự án Cầu Cửa Hội: Dấu hỏi chất lượng nền đường từ nhà thầu phụ?

Công trình Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam (nối Nghệ An và Hà Tĩnh) dự kiến hợp long vào tháng 9/2020 sau hơn 1 năm thi công. Trong đó, gói ...