Việc VTV không chịu mua bản quyền ASIAD đã làm phát sinh một vụ trộm lớn nhất mọi thời đại, đó là vụ trộm bản quyền truyền hình các trận đấu bóng đá nam trong khuôn khổ Á vận hội, đặc biệt là những trận có đội tuyển Olimpic Việt Nam tham gia. Sau giải U23 Châu Á người hâm mộ Việt Nam không thể không theo dõi các trận đấu có đoàn hảo thủ yêu mến của mình tham dự. Cho nên, “bần cùng sinh đạo tặc”, ai muốn xem thì không thể không ăn cắp, dù không muốn tí nào. Thế là toàn dân ăn cắp, cả nước xem trộm!
VTV đã lí giải lý do không mua bản quyền chủ yếu là quá đắt, khai thác sẽ bị lỗ. Quả thật, nếu VTV là một doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp công ích đi nữa thì cách giải thích đó có thể nghe được, vì doanh nghiệp không thể, không nên và không cần kinh doanh những thương vụ mà biết chắc là khó bảo toàn vốn, hoặc lỗ. Thế nhưng, VTV đâu phải là doanh nghiệp. VTV nghe đâu được định danh là “đơn vị sự nghiệp có thu” và cái gọi là “có thu” đó nghe đâu cũng hết sức khủng.
Hơn nữa, phần “có thu” của VTV cũng như nhiều đơn vị sự nghiệp khác cũng chủ yếu là dựa trên sự khai thác hạ tầng, thiết bị, tài nguyên của nhà nước và đội ngũ nhân lực do nhà nước trả lương. Đó là chưa kể, nhà nước cho VTV “có thu”, thì phần thu đó chắc chắn cũng có mục đích hỗ trợ cho các hoạt động để “thực hiện nhiệm vụ chính trị” của đài.
Nếu đài nói mua bản quyền lần này sẽ bị lỗ, thế té ra VTV mà cũng làm ăn như đánh quả vậy a? Hồi giải U23 châu Á các bố đã thắng đậm rồi, tiền lời chia hết rồi sao? Sao không lấy lãi khủng đó bù đắp một phần cho “quả” này? Rồi quanh năm suốt tháng các bố mượn sóng quốc gia, quảng cáo giờ vàng, giờ bạc liên hồi kì trận, “nhất bản vạn lãi”, sao không trích ít bù cho “quả” này? Đã xác định kinh doanh lời lỗ thì cũng phải tính dài hơi, đừng tính như thằng đánh quả. Nhiều doanh nghiệp sở dĩ lớn được là họ biết chấp nhận một số thương vụ lỗ hoặc ít lời để giữ chữ tín với khách hàng, với đối tác. Khách hàng của VTV không chỉ là mấy nhãn hàng quảng cáo giờ vàng, giờ bạc, mà là hàng chục triệu người trên cõi Việt Nam này. Đó mới là khách hàng mục tiêu, khách hàng tiềm năng của nhà đài! Nếu quả thật khó khăn sao VTV không yêu cầu các doanh nghiệp và hàng chục triệu khách hàng của mình chia sẻ?
Mọi văn hóa trên thế giới này đều lên án tệ ăn cắp. Người Việt đã từng bị bêu danh ở một số nơi trên thế giới vì tệ ăn cắp. Một trong những trở ngại cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế là vấn đề xâm phạm bản quyền còn rất nghiêm trọng, luật sở hữu trí tuệ chưa được tôn trọng. Là cơ quan truyền thông lớn nhất nước, VTV hàng ngày, hàng giờ, năm này qua năm khác không ngừng tuyên truyền cho sự liêm chính của quan chức và sự thật thà, ngay thẳng của dân chúng. Ấy vậy mà, chỉ cần một quả từ chối mua bản quyền này thôi, vô hình chung đã đẩy hàng triệu người, trong đó có tôi vào tệ nạn ăn cắp. Các bố cứ tính toán lời lỗ, sao không tính cái lỗ kinh khủng này?
Hai trận vừa rồi, tôi đã ăn cắp, nhưng chất lượng chưa tốt lắm. Những trận tiếp theo tôi phải cố gắng nâng cao trình độ để ăn cắp được sản phẩm tốt hơn. “Ăn cắp quen tay”, không biết sau quả ăn cắp này tôi có trở thành kẻ ăn cắp chuyên nghiệp hay không? Chỉ có trời và VTV là biết!
Phạm Xuân Cần
Nguồn : FB Phạm Xuân Cần
--------------------
Xôi Lạc TV: Ăn cắp nhưng chất lượng ko kém VTV
Trở thành một hiện tượng những ngày qua: "Xôi lạc TV", kênh truyền hình tự tạo trên youtube, facebook, với chất lượng không thua kém VTV. Thậm chí, phong cách và tư duy bình luận của các chàng Xôi Lạc đem đến cho người xem nhiều cảm tình và sự hứng khởi, hơn là nỗi ức chế, khó chịu từ những "hội đồng bình loạn" trên VTV.
Đừng nói là các bạn VTV không thèm xem nhé. Tôi không tin là những ngày qua, đội ngũ quan quân của VTV lại không chúi mặt vào laptop hay điện thoại để xem... Xôi Lạc. Nếu chỉ tính đếm vào lợi ích... quảng cáo để lắc đầu, không phục vụ nhu cầu được xem của dân chúng, thì VTV đã thực sự tự biến mình thành một "con buôn" đúng nghĩa. Ngay cả cái tư duy "con buôn" đó, cũng rất hạ cấp. Nếu là một đài (doanh nghiệp) cổ phần, VTV sẽ chết tươi sau vài nốt nhạc.
Nhưng thôi, không nói chuyện đó nữa. Ngẫm sang một nghĩa khác, sẽ thấy sự nhạy cảm chính trị và ý thức truyền thông của VTV là cực dốt, ở mức ze - ro, với vai trò và tư thế của họ là đài truyền hình quốc gia, ôm sóng quốc gia:
Trong khi VTV im, lúc cao điểm Xôi Lạc đạt mức trên 300.000 lượt người xem trực tuyến. Nếu đội tuyển Olimpic Việt Nam vào đến trận chung kết, lặp lại kỳ tích như hồi đầu năm tại giải U23 châu Á, thì trên sân sóng Xôi Lạc sẽ thành một biển người, không chỉ 300.000, 500.000, thậm chí là hàng triệu khán giả.
Giả sử, nếu bọn... X nào đó cướp sóng, chuyện gì sẽ xảy ra?
Giật mình chưa?
Nói vậy, không phải để ngăn chặn Xôi Lạc. Bởi chặn thì lấy gì xem, khi Việt Nam càng đá càng hay và đang thành một thế lực mới của châu Á.
Nói vậy, để thấy rằng cái tư duy và ý thức truyền thông, "cái đầu chính trị" của nhà đài VTV còn cách xa... quả bóng nhiều lắm.
Và, để thấy rằng công nghệ đã tiến đến mức không còn gì là không thể. Như không có VTV, thì ta có Xôi Lạc TV vậy.
Hoan hô Xôi Lạc. Cảm ơn Xôi Lạc.
Trương Duy Nhất
(75 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đều có bản quyền phát sóng thế vận hội ASIAD. Riêng Việt Nam không).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét