Trên mạng xã hội những ngày gần đây đưa thông tin Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ “tự đạo văn” qua “Báo cáo phân tích sơ bộ về sự giả khoa học của ông Phùng Xuân Nhạ”, thực hiện bởi GS Nguyễn Tiến Dũng và nhóm cộng sự
Nội dung chính của báo cáo chứng minh GS Nhạ "tự đạo văn", "trích dẫn khống", một số nghiên cứu được cho là công bố quốc tế nhưng thực ra là đăng trên một tạp chí "giả khoa học", cũng như kém về tiếng Anh.
Thông tin trên lập tức gây sốt trên mạng, đặc biệt là trong giới trí thức khoa bảng Việt Nam.
Báo cáo trên đã được GS Nguyễn Tiến Dũng gửi đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam (HĐCDGSNN) hôm 18-2. Theo GS Dũng, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký HĐCDGSNN, đã nhận được báo cáo này nhưng chưa hồi âm.
Vậy các vấn đề mà GS Nguyễn Tiến Dũng và cộng sự nêu trong báo cáo, nên hiểu như thế nào?
Báo cáo trên có mục đích làm rõ sự không bình thường trong việc phong hàm GS cho ông Nhạ hồi năm 2016 khi ông đã là bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Đạo văn thì ai cũng hiểu nhưng còn "tự đạo văn"? Theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan, Úc): "Trong vài thập niên gần đây, một hình thức đạo văn khác xuất hiện được giới khoa học đặt tên là "tự đạo văn" (self plagiarism). Tự đạo văn có nghĩa là tác giả công bố một bài báo khoa học như là một công trình nghiên cứu mới nhưng thực chất là "xào nấu" dữ liệu của nghiên cứu cũ của mình đã từng công bố trước đây".
Báo cáo nêu trên đã chứng minh hai bài báo bằng tiếng Anh của ông Nhạ và một tác giả khác, công bố năm 2013 và 2014, là đã tự đạo văn. Kiểm tra qua phần mềm tra cứu Turnitin, kết quả cho thấy có 48% nội dung của bài năm 2013 được sao chép lại y nguyên vào bài năm 2014, có thể nói hai bài giống nhau gần 100%.
Về vấn đề trích dẫn, báo cáo nêu ra 3 bài viết khoa học do ông Nhạ và một số người khác là tác giả có biểu hiện bất thường về trích dẫn; nhiều bài được đưa vào danh sách tham khảo nhưng không thấy được trích dẫn trong bài viết khoa học. Một số trích dẫn không thể truy ra nguồn.
Báo cáo cũng chỉ ra 2 bài báo của ông Phùng Xuân Nhạ được cho là đã công bố quốc tế thực ra là đăng trên một tạp chí "giả khoa học".
Sở dĩ vấn đề của ông Phùng Xuân Nhạ được quan tâm là vì cách đây không lâu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT và HĐCDGSNN xem xét, rà soát lại việc bổ nhiệm GS, PGS đợt năm 2017 một cách ồ ạt, bị dư luận lên tiếng.
Ngay sau đó Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các Chủ tịch hội đồng ngành, liên ngành báo cáo Chủ tịch HĐCDGSNN, do chính ông đảm nhiệm và yêu cầu trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định thì cương quyết không công nhận.
Chuẩn GS và PGS đang là vấn đề nóng trong giới khoa bảng Việt Nam. Theo các GS đầu ngành, thực tế cho đến nay, các Hội đồng ngành và liên ngành đã rà soát xong các đối tượng được phong GS, PGS đợt năm 2017 và khó phát hiện trường hợp nào thiếu chuẩn, vì đơn giản chuẩn của Việt Nam không cao. Trong khi đó nếu xét chuẩn về ngoại ngữ thì chắc chắn có nhiều vị "rụng rơi"!
Trở lại báo cáo nêu trên, báo cáo cho rằng với những kết quả khảo sát đó, cho thấy GS không xứng đáng với chức danh GS mà ông được phong năm 2016. Vì tính "Tính giả khoa học" của GS Nhạ nên những khuyến cáo mà ông đưa ra "đều không đáng tin cậy và có thể gây ra các thiệt hại lớn cho đất nước".
Thực tế tại Việt Nam vấn đề đạo văn được các trường đại học rất quan tâm. Nhiều trường đại học ở nước ta cũng đã cung cấp cho sinh viên các công cụ phát hiện đạo văn. Tuy nhiên, vấn đề "tự đạo văn" ở nước ta ít được quan tâm, dù đây là chuyện không mới với thế giới. Nếu đem chuẩn về "tự đạo văn" áp dụng với các luận văn tiến sĩ, các công trình khoa học ở nước ta, chắc chắn sẽ phát hiện nhiều vấn đề "giả khoa học".
Trong giới khoa học ai cũng biết nạn đạo văn, tự đạo văn đã làm tan nát sự nghiệp nhiều chính trị gia.
Ở góc độ người quản lý nhà nước cao nhất về giáo dục, đặc biệt là với tư cách là Chủ tịch HĐCDGSNN, GS Phùng Xuân Nhạ nên lên tiếng chính thức về báo cáo của GS Nguyễn Tiến Dũng và cộng sự. Cách tốt nhất là GS Nhạ cần có một báo cáo khoa học để phản biện lại những vấn đề nêu trong báo cáo của GS Dũng, khẳng định các công trình của mình là khoa học chứ không phải "giả khoa học".
Đó là cách tốt nhất chứ không phải im lặng trước những dư luận rất bất lợi như hiện nay. Đó cũng là cách để GS Nhạ bảo vệ uy tín khoa học của mình, bảo vệ uy tín cá nhân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và đặc biệt bảo vệ uy tín của Chủ tịch HĐCDGSNN trước giới khoa bảng Việt Nam.
Lưu Nhi Dũ
Nguồn Người lao động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét