Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Đề văn phản văn

Đề thi môn Ngữ văn cho kỳ thi hết cấp Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 bộc lộ rõ rệt những bất cập nghiêm trọng của ngành Giáo dục & Đào tạo. Dư luận đang phản ứng rất mạnh mẽ, của chính những người trong ngành. Phó Giáo sư – Tiến sĩ trường ĐHSP Hà Nội Lã Khắc Hòa nhận xét: “Mà cứ như ở cái đề thi này, thì đây hoàn toàn là đoạn văn dốt nát, dốt tiếng Việt, dốt triết học và cả tâm lý học nữa. Đọc văn không phân biệt được đúng sai hay dở, thế mà dám ra đề và duyệt đề “Đọc hiểu”! Sao trớ trêu đến vậy?
Từ trường Đại học Qui Nhơn, Chu Mộng Long lên tiếng: Một văn bản thiếu hiểu biết thì bắt học sinh đọc hiểu kiểu gì? Nói tầm phào thì không sao, nhưng đưa vào đề thi thì phải chuẩn!…
… Thôi thì không trách Đặng Hoàng Giang dốt. Đứa ra đề thi thì cũng dốt. Trách cho một đứa dốt kéo theo dốt cả làng. Đạo đức giả là thứ vi trùng lây lan rất mạnh, nhất là trong học đường, ở chính cái môn Ngữ văn”.
Đấy là lời của những người trong ngành cùng là giới chức với nhau. Trong giới trí thức cũng như xã hội, cấm kỵ nói tục chửi bậy. Nói lời hay làm việc tốt là khẩu hiệu cho thiếu niên nhi đồng. Thế mà một thầy giáo Đại học khoa Sư phạm như PGS.TS Lã Khắc Hòa (Đại học Sư phạm Hà Nội) phải dùng đến ngôn ngữ Vợ Binh Mâu(*) thì vấn đề là cực kỳ tồi tệ, ngôn ngữ bình thường không đủ tỏ rõ thái độ. Với tác giả Chu Mộng Long cũng thế: Trách cho một đứa dốt kéo theo dốt cả làng!
Các bạn giận dữ là rất chính đáng. Mà nói trên mạng thì lời lẽ như thế cũng không phải ít. Vấn đề quan trọng, cực kỳ quan trọng phía sau những lời giận dữ của các bạn, chính là quan điểm và trình độ của những người ra đề thi, người đề xuất, Hội đồng tuyển chọn và người quyết định cuối cùng. Đây là cốt lõi của vấn đề: Quan điểm giáo dục và năng lực học thuật của những người có trách nhiệm ở Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như ở khoa Ngữ văn các trường đại học. Đó là ba vấn đề lớn mà chúng tôi sẽ đề cập dưới đây.
Anh-minh-hoa---De-van-phan-van
Trình độ (năng lực học vấn) của những người biên soạn sách giáo khoa. Thường là tác giả đề thi. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vì sao? Vì học sinh đến trường để học. Mà nội dung học chính là sách giáo khoa (SGK) và thầy giáo giảng bài cũng phải theo SGK. Có SGK cho học sinh và SGK cho thầy giáo, cô giáo, tức là sách hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên. Thầy giáo bây giờ nhẹ việc hơn thầy giáo thời xưa và rất kém các thầy giáo thời xưa chính ở chỗ này. Như cố GS. Trần Đức Thảo lên lớp, giảng bài cho sinh viên, không cần có giáo trình giáo án. Nhưng GS giảng về chủ đề nào cũng rất hấp dẫn sinh viên nghe như rót mật vào tai. Tai nghe, mắt nhìn, tay ghi chép những lời thầy giảng. Đó là cách dạy cổ điển từ thời Khổng Tử. Công trình của Ferdinand de Saussure có được thành sách là nhờ các sinh viên ghi chép tập hợp lại. Công trình của cố GS. Cao Xuân Huy cũng phần lớn là sưu tập các bài giảng do sinh viên ghi lại.
Cách học và dạy như thế đòi hỏi thầy phải thật giỏi và học sinh không thể lười được, không thể mua điểm được.
Cách dạy dựa vào SGK, học thuộc lòng theo SGK, cộng với các công cụ hỗ trợ công nghệ hiện đại như phao (foto), thiết bị âm thanh siêu nhỏ… đã biến thầy và trò thành các robot thiên tạo (người) và nhân tạo (phao).
Trình độ biên soạn SGK là kém, có chỗ rất kém tuy không phải tất cả, mà chúng tôi đã dẫn ra trong bài Ngữ văn 9 chưa chín, in lại trong Luận chiến văn chương, quyển 3, NXB Văn học – 2017. Để các bạn thấy cụ thể, chúng tôi xin dẫn ra bài Trâu Việt Nam, mà Hội đồng biên soạn chọn từ Từ điển Bách khoa Nông nghiệp:
Trâu Việt Nam (Bubalus bubalis) có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Lông màu xám, xám đen, thân hình vạm vỡ, thấp, ngắn, bụng to, mông dốc, bầu vú nhỏ, sừng hình lưỡi liềm. Có 2 đai màu trắng: dưới cổ và chỗ đầu xương ức. Trâu cái nặng trung bình 350-400kg (300-600kg), trâu đực: 400-450kg (350-700kg).

Trâu 3 tuổi có thể đẻ lứa đầu. Trâu đẻ có mùa vụ. Một đời trâu cái thường cho 5-6 nghé, nghé sơ sinh nặng 22-25kg.
Đôi răng cửa giữa cố định bắt đầu mọc lúc 3 tuổi và trâu kết thúc sinh trưởng khi hết 6 tuổi (8 răng cửa).
Trâu nuôi chủ yếu để kéo cày: lực kéo trung bình trên ruộng 70-75kg, bằng 0,36-0,40 mã lực. Trâu loại A một ngày cày 3-4 sào, loại B: 2-3 sào và loại C: 1,5-2 sào Bắc bộ; kéo xe: ở đường xấu tải trọng 400-500kg, đường tốt 700-800kg và trên đường nhựa với bánh xe hơi kéo trên 1 tấn; kéo gỗ: trên đường đồi núi, thường một trâu kéo 0,5-1,3m3 với đoạn đường 3-5km.
Khả năng cho thịt: trâu cái có tỷ lệ thịt xẻ 42%, trâu thiến: 45% và trâu đực 2 tuổi: 48%. Khả năng cho sữa: 400-500kg sữa trong một chu kỳ vắt. Mỡ sữa: 9-10%. Khả năng cho phân: trong 24 giờ, trâu 2 răng thải ra 10kg phân, trâu 4 răng: 12-15kg và trâu trưởng thành: 20-25kg…
(Theo Từ điển Bách khoa Nông nghiệp, Hà Nội, 1991)
Đoạn trích này ở trang 28-29. Ngữ văn 9. Tập I. Có tới 19 lỗi cả văn phạm cả nội dung khoa học (chỗ gạch chân).
Trình độ giảng dạy và biên soạn SGK như Ngữ văn 9 thì ra đề và chọn đề thi như thế là logic lắm. Cũng rất logic khi Ngữ văn 9 in lần thứ 9 – năm 2014. Lần in thứ 9 này tổng cộng 180.000 bản, do GS. Nguyễn Khắc Phi làm tổng chủ biên. Chủ biên phần Tiếng Việt là GS. Nguyễn Minh Thuyết. Chủ biên phần Văn là GS. Nguyễn Văn Long. Chủ biên phần Tập làm văn là GS.TS Trần Đình Sử. TS. Đỗ Ngọc Thống trong Ban biên soạn, chắc là lo phần Đọc hiểu. Cần nói ngay, phần Đọc hiểu là vô duyên và phản khoa học, chúng tôi sẽ nói ở phần sau.
Nhưng chẳng lẽ lại nói các GS đáng kính trên là trình độ non kém hay sao? Vì GS. Nguyễn Minh Thuyết từng là Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Xã hội… ở Quốc hội khóa trước. GS.TS Trần Đình Sử tuy rất hoạt đầu cơ hội nhưng đã từng du học ở Trung Quốc, Liên Xô, bảo vệ Luận văn Tiến sĩ ở Liên Xô cũ. Cuốn Trên đường biên của Lý luận văn học được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng. Mà Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội vừa xin từ chức là con người như thế nào? Xin nêu một chuyện nhỏ. Trong bữa nhậu ở Cà phê Sỏi Đá, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A và Phạm Xuân Nguyên… bảo chị Võ Thị Sáu là một thiếu niên bị bệnh hoang tưởng, bị điên. Có điên mới ném lựu đạn giết người. Có điên mới cài bông hoa lên mái tóc trước khi bị Pháp bắn chết ở Côn Đảo. Thầy như thế. SGK như thế. Chọn đề thi như thế là một tất yếu, là rất logic.
Cho nên PGS.TS Lã Khắc Hòa “nói nhẹ” về người viết đoạn văn trên là cực kỳ dốt nát và người ra đề, duyệt đề Đọc hiểu là trớ trêu. Còn bạn Chu Mộng Long thì nặng lời không kém: Một thằng dốt kéo theo cả làng dốt… cũng là phản ứng chính đáng. Chỉ xin thưa với thầy Lã Khắc Hòa: Dù giận dữ cũng nên đúng đối tượng: Đoạn văn cực kỳ dốt nát. Dốt Tiếng Việt. Dốt Triết học… thì oan cho đoạn văn quá. Phải nói thẳng ra cái người viết đoạn văn đó, chứ cái đoạn văn mực đen viết trên giấy trắng, nó vô cảm, sao lại chửi nó. Đối với người viết và đông đảo bạn đọc thì hiểu được ý của thầy là chửi người viết (Đặng Hoàng Giang). Nhưng mấy cậu Tây ba-lô không hiểu đâu: Phở gà không có miếng thịt chó nào… Cho nên, dù nói, viết trên sách báo hay trên phây… cũng phải cho nó chuẩn. Bạn Chu Mộng Long cũng thế. Một thằng dốt kéo theo cả làng dốt đúng logic hình thức, vì trước khi bị một thằng dốt nọ đến kéo, cả làng ấy đã dốt rồi. Nhưng rất sai với logic biện chứng. Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư. Ta nên thương làng ấy, giúp đỡ họ, mà thiết thực, bằng cách bớt đi những thằng dốt ở Hội đồng ra đề thi. Hội đồng phương diện quốc gia. Hội đồng của Bộ Giáo dục & Đào tạo cơ mà!
PGS.TS Lã Khắc Hòa nêu vấn đề rất quan trọng: Đọc văn mà không phân biệt hay dở đúng sai, thế mà dám ra đề và duyệt đề ĐỌC HIỂU. Sao trớ trêu thế? Chỗ này rất đáng bàn vì nó là vấn đề rất quan trọng của SGK. Đọc hiểu đề thi trên đúng là Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân (Khổng Tử). Đã không hiểu lại bắt buộc cả triệu học trò phải hiểu. Đoạn văn Đọc hiểu có vấn đề quan trọng, cần phải phân tích:
- Những người ra đề thi không hiểu.
- Hiểu nhưng vẫn lấy làm đề thi.
Khả năng thứ nhất là không hiểu. Hoặc có người hiểu nhưng vẫn gật đầu vỗ tay. Đề văn cũng quan trọng mà mưu sinh cũng không đùa được.
Không hiểu mà vẫn lấy làm đề thi thì Hội đồng đó là những thằng dốt (Chu Mộng Long).
Hiểu mà vẫn OK thì có khả năng nhiều hơn. Vì Hội đồng ra đề thi đâu chỉ có “một thằng dốt”, mà có nhiều người. Thi đây không còn là học thuật thi cử, mà là vấn đề nghiêm trọng. Hội đồng này đã bắt tay với Đặng Hoàng Giang trong việc chống phá Nhà nước và chế độ hiện tồn. Đầu độc lớp trẻ là hành động thâm độc nhất.
Mối quan hệ của Đặng Hoàng Giang trong đề thi này tạo thành một tứ giác không đều: Đặng Hoàng Giang – Nhà xuất bản – Công ty Nhã Nam – Hội đồng ra đề thi.
Các quan hệ trong tứ giác không đều. Còn không đều như thế nào, những người trong cuộc mới biết được. Nhưng chúng tôi đồng tình với tác giả có địa chỉ: Sân Đinh 10 hrsago Chan-Dung-Phan-Dong, Chinh trị – Xa hoi, Van hoa – Lich su. Sau khi dẫn ra mối quan hệ của Đặng Hoàng Giang với Talawas (vai trò nhân sự ngầm), bắt tay với Nhã Thuyên (Vị trí kẻ bên lề…), với nhiều nhóm chính trị chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Đặng Hoàng Giang mới về nước đã xây biệt thự tiền tỷ (không biết kiếm tiền ở đâu, từ việc gì), mở Reeadince… tuyên truyền chống Nhà nước, bắt tay với Văn đoàn độc lập. “Với một lý lịch chống đối chính quyền như vậy, thế mà Đặng Hoàng Giang vẫn được thoải mái xuất bản sách, tệ hại hơn, Bộ Giáo dục còn sử dụng những văn bản Đặng Hoàng Giang viết vào làm đề thi chính thức và những thế lực truyền thông xung quanh Bộ Giáo dục lại đứng ra để 
ca ngợi”.

Đến đây, có thể nói đề thi Văn – Trung học phổ thông năm nay là vấn đề chính trị, không phải là học thuật. Và đây là trách nhiệm của ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, người vừa đưa ra chủ trương bỏ biên chế giáo viên. Nghĩa là sẽ thị trường hóa toàn bộ ngành Giáo dục, từ Mầm non cho đến Đại học. Dư luận xã hội đang hết sức quan tâm đến quyết sách của Bộ trưởng. Nhất là giáo viên từ Mầm non, Mẫu giáo đến Trung học.
Chỗ này xin thưa với Bộ trưởng, xưa nay trường quốc lập và tư thục vẫn có, thậm chí song song tồn tại. Nhưng tư thục phải đủ điều kiện, tiêu chuẩn như công lập, từ hạ tầng cơ sở, khuôn viên nhà trường, phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm… cho đến chương trình giảng dạy. Không phải tư thục “ma” như hiện nay, mà rõ nhất là Đại học Phan Châu Trinh của Nguyên Ngọc và đồng sự đã phải tự đóng cửa.
Khái niệm đọc hiểu được dùng trong đề thi lần này nhưng là thường xuyên trong SGK môn Văn. Người đưa ra khái niệm đọc hiểu là ai? Có thể là ông TS. Đỗ Ngọc Thống hay một người nào đó. Đưa ra yêu cầu đọc hiểu ngay cho học sinh trong khi học hay làm bài thi là không đúng. Hiểu là một quá trình. Đọc để hiểu là một quá trình. Nguyễn Du đã đọc đi đọc lại hàng ngàn lần một bài kinh của Phật giáo mới hiểu được ý nghĩa chân thực của bài. Kinh không phải ở văn bản, mà ở ngoài văn bản. Sau này, Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền có câu: Khán cận sơn ý viễn sơn ý/ Độc hữu tự thư vô tự thư. Thầy giáo Đỗ Trí Thức, bạn đồng môn ở cấp III Vĩnh Lộc xưa thường nhắc lại với tôi câu đó. Rằng cố GS. Hoàng Tiến Tựu (Đại học Sư phạm Vinh) thường giảng cho học trò câu đó và theo thầy Hoàng, câu đó của Cụ Nguyễn Thượng Hiền.
Cho nên bắt học sinh hay thí sinh phải đọc hiểu một văn bản là không khoa học, lại rất vô duyên. Có văn bản đơn giản hiểu được ngay như câu giễu thầy bói: Bà già đi chợ Cầu Đông/ Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng?/ Thầy bói xem quẻ phán rằng/ Lợi thì có lợi nhưng răng không còn. Nhưng có văn bản rất khó hiểu, phải có thời gian và vốn tri thức mới hiểu được, mỗi lần đọc lại sáng thêm ra, như câu này: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (của Hoàng đế Thiên triều) và đối lại: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng của Giang Văn Minh. Tương truyền đọc xong câu đối thì Hoàng đế Thiên triều ra lệnh cắt lưỡi Giang Văn Minh. Sự nghiệp của Giang Văn Minh để lại cho hậu thế chỉ có một câu đối đó. Hoặc ở Thanh Hóa có câu không thể đối lại được: Gái Nguyệt Viên trăng tròn mười độ.
Sự đọc – hiểu là sự vô cùng tận. Có bài, có câu đọc qua hiểu ngay. Trò lớp Một, Hai cũng hiểu. Nhưng có câu, có chữ, phải bạc đầu mới hiểu, như câu của Cụ Nghè Trần Bích San: Văn vô sơn thủy phi kỳ khí/ Nhân bất phong sương vị lão tài. Hay bài Chiều hôm của Hồ Chí Minh: Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng/ Hoa tàn hoa nở cũng vô tình/ Hương hoa bay thấu vào trong ngục/ Kể với tù nhân nỗi bất bình! Có câu các em học sinh lớp 9 đọc xong hiểu ngay, như câu đã dẫn trong phần văn tuyển TRÂU VIỆT NAM:
“… Khả năng cho phân: Trong 24 giờ, trâu 2 răng thải ra 10kg phân. Trâu 4 răng: 12-15kg và trâu trưởng thành: 20-25kg…” (Sđd. trên).
Câu này, đưa vào SGK, quá dễ hiểu, nhưng khó phân định: là văn tuyển hay văn uyển. Những người có văn hóa, đọc câu này thấy lợm giọng và không hiểu được ý đồ của người biên soạn. Văn chương Việt Nam cổ kim đã đến hồi mạt vận hay sao mà các thầy đều là Giáo sư – Tấn sĩ phải vô bèo vạt tép như thế? Cho nên cái khái niệm, cái phụ đề, cái yêu cầu ĐỌC HIỂU nên bỏ đi cho đỡ tốn giấy mực, tốn sự nói năng, giảng giải, mà theo PGS.TS Lã Khắc Hòa là một đoạn văn dốt nát về mọi phương diện (Khiếp!). Nhưng biết đâu lại là thâm thúy như LỌ TƯƠNG của Trạng Quỳnh! Ra đề như thế là vì học sinh thân yêu hay vì Đặng Hoàng Giang chịu chơi??? Để PR cho Đặng Hoàng Giang.
Hơn 2.000 năm trước, Quản Trọng nói Bách niên chi kế mạc nhược chủng nhân. Trong sự nghiệp trồng người (chủng nhân), môn Văn là quan trọng nhất, hữu hiệu nhất. Đem một đoạn văn “cực kỳ dốt nát” của một người Áo gốc Việt có tư tưởng và hành động chống phá Nhà nước Việt Nam làm đề thi Văn cho hàng triệu học sinh Việt Nam thì đó là chuyện thi cử đơn thuần hay vấn đề chính trị. Đề nghị ông Bí thư Ban Cán sự Bộ GD&ĐT cho bạn đọc được rõ. Trong bao nhiêu tác giả Việt Nam từ cổ chí kim không ai có được một đoạn văn có giá trị nhân văn đến nỗi phải lấy một đoạn văn “cực kỳ dốt nát” của một Việt kiều mới về nước mấy năm nay, đang chống phá Đất nước, làm đề thi cho con em mình. Đấy là hội nhập hòa nhập, đoàn kết dân tộc chăng!
Để tránh lặp lại tình hình như đề thi trên, chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT công bố danh tính chức vị của những người có trách nhiệm ra đề thi này. Công khai công bố trước công luận, trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng. Phải nhận trách nhiệm trước công chúng để sửa chữa. Không nên im lặng chìm xuồng. Nếu trong Hội đồng biên soạn SGK hay ra đề thi mà vẫn còn có những người như ông Đỗ Tiến sĩ, tự khoe đi máy bay nhiều hơn đi trên mặt đất, không đủ khả năng phân biệt chất lượng thịt bò ta với thịt bò Úc nên phải đem từ Úc về mấy ki-lô-gram để nhờ Bộ trưởng phân định thì dư luận hay công luận cũng như nước đổ đầu vịt!
Rất mong ông Bộ trưởng quan tâm đến vấn đề rất quan trọng này.
Đồng Nai thượng. 
Nhân ngày Nhà báo Việt Nam 2017.

Chu Giang
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 457 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Dự án Cầu Cửa Hội: Dấu hỏi chất lượng nền đường từ nhà thầu phụ?

Công trình Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam (nối Nghệ An và Hà Tĩnh) dự kiến hợp long vào tháng 9/2020 sau hơn 1 năm thi công. Trong đó, gói ...